Trong số hàng trăm ngàn sinh viên đã trưởng thành từ Trường, nhiều người đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát – Trần Đình Long hay Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng. Cùng với xu thế hội nhập của đất nước, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng từng bước chuyển mình để tiếp tục đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, từng bước đến gần hơn với chuẩn quốc tế. Chính vì lẽ đó, Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE (Viện ĐT TT, CLC và POHE) của trường đã được thành lập, với sứ mệnh đào tạo những công dân toàn cầu ngay trong lòng đất Việt.
14 năm một chặng đường
Viện Đào tạo TT, CLC và POHE của ĐH Kinh tế Quốc dân được thành lập năm 2006, thuộc Dự án Quốc gia nhằm thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Văn phòng Viện được đặt tại tầng 3, tòa nhà A1, ĐH Kinh tế Quốc dân, số 207 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hiện tại, Viện đang có 4 chương trình đào tạo: Chương trình Tiên tiến (AEP), Chương trình Chất lượng cao (EEP), Chương trình Định hướng Ứng dụng (POHE) và Chương trình Phân tích Kinh doanh (BA).
Lãnh đạo và các điều phối viên của Viện Đào tạo TT, CLC và POHE trong Hội nghị Đại biểu cán bộ, công chức, viên chức năm học 2019-2020.
Với sứ mệnh cung cấp những chương trình đào tạo ĐH tiên tiến, lấy người học làm trung tâm, trong những năm qua Viện luôn tập trung mang đến sự đổi mới trong các hoạt động dạy và học theo hướng chuẩn quốc tế: từ cơ sở vật chất tiện nghi đến học liệu, phong cách giảng dạy hiện đại. Viện cũng là đối tác uy tín với nhiều trường ĐH tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Đan Mạch,…
Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế
Nhắc tới việc dạy và học tại Viện là nhắc tới chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, được “nhập khẩu” từ nước ngoài và điều chỉnh cho hợp với môi trường đại học công lập tại Việt Nam. Đối với chương trình Tiên tiến, trừ những môn học lí luận chính trị bắt buộc, 100% các môn học từ đại cương đến chuyên ngành đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, dựa theo khung chương trình của ĐH Long Beach, bang California, Mỹ.
Sinh viên của Viện không những được tiếp xúc với các giảng viên giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết đến từ ĐH Kinh tế Quốc dân, mà còn được thường xuyên đón các giáo sư nước ngoài kết hợp giảng dạy. Mỗi năm, sinh viên chương trình Tiên tiến sẽ được học giảng viên nước ngoài trong 2 kì học (kì hè và kì đông). Những kì học đặc biệt này giúp sinh viên dù ở Việt Nam vẫn có cơ hội được tiếp xúc với phong cách giảng dạy của môi trường học thuật quốc tế, đồng thời cũng đặt nền móng cho quá trình học tập bậc cao học của sinh viên sau này.
Đại diện Viện Đào tạo TT, CLC & POHE và Đại học Macquarie, Úc ký Biên bản thỏa thuận hợp tác chương trình trao đổi 2+2
Phương pháp giảng dạy hiện đại cũng là một điểm mạnh rất đáng để tự hào của Viện. Bạn Lê Thị Thu Hằng, lớp trưởng lớp Tài chính Tiên tiến khóa 60 cho biết: “Cách tiếp cận vấn đề và phong cách giảng dạy của giảng viên khác hẳn với cấp 3. Chương trình đề cao khả năng tự học thông qua các dự án làm việc nhóm và nghiên cứu khoa học, giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn chứ không “cầm tay chỉ việc” hay đọc – chép từ đầu tới cuối”. Còn đối với sinh viên Chương trình Định hướng ứng dụng POHE, điểm hài lòng nhất về phương pháp giảng dạy của trường chính là lí thuyết luôn được gắn liền với thực tiễn, học thông qua việc đúc rút kinh nghiệm từ những trải nghiệm thực tế trong các kì thực tập tại doanh nghiệp.
Sinh viên lớp Marketing CLC khóa 59 tích cực tham gia vào một “Trò chơi mô phỏng”, mô hình học tập chủ động, hiện đại đến từ Mỹ
Sau khi theo học 2 năm ở Việt Nam, sinh viên của Viện có thể lựa chọn chương trình chuyển tiếp 2+2 sang trường ĐH đối tác ở Mỹ hoặc 3+1 sang trường ở Hà Lan, tất cả các chứng chỉ tích lũy ở Việt Nam đều được công nhận tương đương. Có thể nói, Viện vẫn chất lượng đào tạo của Viện đã “tiệm cận” với các trường ĐH uy tín trên thế giới.
Phát triển sinh viên theo hướng Hội nhập
Chìa khóa để mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế đối với sinh viên Việt Nam chính là khả năng ngoại ngữ, và đây cũng là một trong những lĩnh vực đào tạo mũi nhọn của Viện. Trước khi bắt đầu học các môn chuyên ngành, sinh viên các chương trình đều phải trải qua các kì bổ túc tiếng Anh, được rèn luyện cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết làm nền tảng. Trong suốt quá trình học tâp tại Viện, sinh viên được rèn luyện vốn tiếng Anh chuyên ngành do thường xuyên tiếp xúc với học liệu nước ngoài. Chuẩn đầu ra của Viện cũng yêu cầu trình độ ngoại ngữ IELTS 6.5 hoặc tương đương – một mức rất cao so với mặt bằng chung của các trường đại học công lập. Đặc biệt, sinh viên chuyên ngành Quản trị khách sạn và Quản trị lữ hành của Chương trình Định hướng Ứng dụng (POHE) còn được học ngoại ngữ thứ 2 (tiếng Pháp hoặc Tiếng Trung do sinh viên đăng ký).
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng khẳng định, yếu tố đầu tiên trong 7 yếu tố giúp thanh niên tự tin hội nhập chính là sự hiểu biết, tức kiến thức về các vấn đề kinh tế – xã hội trong nước và thế giới. Thông qua các môn học trong chương trình như Lịch sử văn minh thế giới, Kinh tế quốc tế, Môi trường pháp lí trong kinh doanh, sinh viên được trang bị kiến thức về kinh tế – xã hội và luật pháp quốc tế. Không dừng lại ở đó, sinh viên cũng được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học và được mời tới tham dự các buổi hội thảo quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và chính sách để liên tục cập nhật thông tin.
Lễ Tổng kết và trao giải NCKH Sinh viên chương trình TT, CLC & POHE năm 2019
Ngoài các hoạt động chuyên môn, học thuật, Viện ĐT TT, CLC và POHE còn hết sức tạo điều kiện cho các hoạt động hoạt động ngoại khóa, CLB sôi nổi của sinh viên trong Viện. Bởi lãnh đạo Viện luôn tin rằng, để hội nhập với môi trường quốc tế hiện đại sinh viên không chỉ cần kiến thức, mà còn cần những kĩ năng giao tiếp và hòa nhập xã hội. Những sự kiện thường niên của sinh viên như cuộc thi nấu ăn Master Chef (Vua Đầu bếp), giải bóng đá thường niên AEP, chương trình định hướng và chào tân sinh viên hay dạ hội chia tay khóa cuối do Liên Chi đoàn, Ban Sự Kiện và CLB Thế hệ Trẻ của Viện tổ chức luôn thu hút hàng trăm sinh viên tham gia.
Bế mạc Giải thể thao Quốc tế AEP – giải thể thao thường niên của Viện ĐT TT, CLC và POHE
Đặc biệt, Dạ hội Vũ hội thế kỉ – sự kiện chia tay khóa 57 của Viện đã thu hút gần 500 đơn đăng kí. Nhìn lại các chương trình được sinh viên của Viện tổ chức, có thể thấy rõ được sự nhiệt huyết và chuyên nghiệp của thế hệ trẻ đang sẵn sàng đương đầu với các thách thức tương lai.
Dạ hội chia tay sinh viên khóa 58 với tên gọi A Night to Remember 2020 – Vũ hội Thế kỷ Centenar De Bal
Cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp
Nhận thức được tình trạng nhiều sinh viên mới ra trường chưa thích ứng được với những yêu cầu của doanh nghiệp, Viện ĐT TT, CLC và POHE đã chủ động lồng ghép những nội dung hướng nghiệp, trải nghiệm và thực tập trong suốt thời gian 4 năm sinh viên học tập tại Viện. Ngay từ lúc tân sinh viên mới nhập học, Viện đã tổ chức Tuần Định hướng Sinh viên, nhằm đưa ra cho các em những gợi ý về công việc tương lai và con đường phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra về công việc. Trường cũng đã chủ động kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp để tổ chức các buổi đối thoại hướng nghiệp với sinh viên. Kì cuối cùng trước khi ra trường bắt buộc là kì thực tập – cơ hội vàng cho các sinh viên được tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp trước khi chính thức vào nghề.
Tọa đàm Hợp tác giữa Nhà trường và công giới trong đào tạo Chương trình Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE giai đoạn 2015 – 2017
Không dừng lại ở đó, Viện còn xây dựng một chương trình đào tạo hoàn toàn “để phục vụ cho nhu cầu của thị trường”: Chương trình Định hướng Ứng dụng (POHE). Với mục tiêu cốt lõi là đào tạo được những sinh viên có khả năng đáp ứng được ngay các yêu cầu công việc của doanh nghiệp sau khi ra trường, Chương trình POHE nhận được rất nhiều sự quan tâm cả từ phía phụ huynh – học sinh và phía nhà tuyển dụng trong thời gian gần đây. Mô hình giáo dục đại học POHE đã rất phổ biến ở các nước phát triển, nhưng vẫn còn khá mới lạ đối với môi trường giáo dục công lập tại Việt Nam.
Điểm độc đáo của chương trình POHE đến từ việc giảng dạy không quá đặt nặng vào nghiên cứu lí thuyết, mà tăng cường hoạt động thực hành giúp sinh viên nâng cao kĩ năng, làm quen với thực tiễn công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ví dụ như sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh Thương mại của POHE chỉ có 70% là học tập trên giảng đường, 30% còn lại sẽ là các giờ thực hành, đào tạo về nghiệp vụ bởi các công ty chuyên về ngành nghề mà sinh viên đang theo học. Việc đánh giá kết quả học tập cũng không chỉ đơn thuần dựa trên các bài kiểm tra lí thuyết trên giảng đường, mà còn thông qua kết quả các kì kiến tập, thực tập. Điều này cũng đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và đại diện của các nhà tuyển dụng để đảm bảo công tác đào tạo và đánh giá sinh viên đạt được kết quả như mong đợi. Với khả năng ngoại ngữ tốt, được tiếp xúc với thực tiễn từ sớm, sinh viên POHE được kì vọng sẽ thích ứng nhanh với môi trường doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài.
Chuyến thăm quan và thực tế DN của SV Viện ĐT TT, CLC và POHE tại Tổng công ty May Bắc Giang
Năm 2020, Viện Đào tạo TT, CLC và POHE đã và đang tiến hành những chương trình tuyển sinh dành cho các em học sinh và các vị phụ huynh quan tâm đến mô hình giáo dục của Viện. Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên đăng kí vào Viện ngày càng tăng cao, chất lượng đào tạo của các khóa cũng ngày càng được cải thiện, uy tín của Viện cũng ngày càng thêm vững chắc. Từ đây, nguồn nhân lực trẻ năng động, được đào tạo bài bản và thích ứng nhanh với quá trình hội nhập quốc tế của đất nước sẽ ra đời. Viện Đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chính là một minh chứng để khẳng định rằng: công dân toàn cầu có thể lớn lên ngay trong lòng đất Việt.