Sự kiện
Chuyến đi thực tế đầu tiên – Hành trình thay đổi góc nhìn
Chuyến đi thực tế đầu tiên – Hành trình thay đổi góc nhìn
“Con người không bắt đầu tiến hóa từ khi họ đứng bằng hai chân. Mà là khi họ bắt đầu đi mới phải”. Jack London nói vậy. Và ông nói đúng. Càng đi, con người càng thông minh, càng mở mang được nhận thức hạn hẹp của mình trong thế giới bao la. Chuyến đi thực tế vừa rồi của lớp POHE Quản trị kinh doanh thương mại K59 vừa qua cũng không ngoại lệ: một chuyến đi đã mang cho chúng tôi những ví dụ đầy thực tiễn minh họa cho những bài giảng mà chúng tôi đã được học.
Là những sinh viên năm nhất, những kiến thức về ngành học của chúng tôi khá mơ hồ. Những từ ngữ như “quản trị” hay “thương mại” luôn làm chúng tôi bối rối khi thử mường tượng về công việc sau này của mình, hay mục đích học chuyên ngành là gì. “Việc của chúng ta cụ thể là gì? CEO? SEO? Kinh doanh buôn bán? Tương lai chúng ta sẽ ở đâu?” Cứ thế, những câu hỏi đó cứ hiện lên. Nhưng nhờ chuyến đi này, chúng tôi đã dần hiểu ra vị trí của mình trong doanh nghiệp, cũng như giải đáp phần nào những thắc mắc của chúng tôi về chuyên ngành.
Chúng tôi tập trung trước cổng trường từ 7 giờ sáng, mang trên mình là sắc xanh đồng phục của liên chi đoàn AEP. Tâm trạng háo hức là điều mà ai cũng có thể nhận thấy, kể cả trên gương mặt cô Nguyễn Thị Xuân Hương – giảng viên hướng dẫn của chúng tôi trong suốt chuyến đi. Cả lớp đã chụp ảnh cùng nhau để ghi lại những khoảng khắc trước khi xuất phát của chuyến đi đáng nhớ này.
Lớp POHE Quản trị kinh doanh thương mại K59
Ngay đầu chuyến đi, cô Hương đã đặt ra cho chúng tôi một thử thách nho nhỏ: cô chia lớp ra thành những nhóm bốn và phát cho tiền đi lại. Mỗi nhóm sẽ phải tự lo phương tiện đi lại cho mình. Và điều thú vị đã xảy ra: mỗi nhóm lại có một cách phản ứng, cách giải quyết đầy khác biệt. Có nhóm thì vô cùng nhanh chóng chọn được xe, hãng cho mình, nhưng có những nhóm lại phải tranh cãi, tự tổ chức đến vài phút đồng hồ. Riêng nhóm tôi, trưởng nhóm đã nhanh tay gọi Grab – hãng taxi công nghệ đang rất phổ biến trên thị trường hiện tại – cùng với mã giảm giá 20%. Mọi chuyện đều ổn thỏa.
Chúng tôi vui vẻ chuyện trò trên xe, và chẳng mấy chốc xe đã đến chợ Đồng Xuân, điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Dù có đôi chút vấn đề xảy ra khi chúng tôi phải chờ các nhóm đến sau, và bị ban quản lý chợ nhắc nhở vì đứng khá lâu trước cổng chợ, nhưng cả lớp đã có một niềm vui bất ngờ từ sự dễ thương của cô Hương: cô đã mua cho chúng tôi những chiếc quạt nhựa trong khi chúng tôi không hề để ý.
Bước vào trong chợ, chúng tôi lại thêm một phen bất ngờ bởi các mối quan hệ rộng rãi của cô, không chỉ với riêng ban quản lý chợ, mà còn với từng người bán hàng trong đó. Nhờ cô, chúng tôi được đi tham quan chợ theo đoàn với một người hướng dẫn về khu chợ. Ngôi chợ cổ kính từ thời Pháp thuộc vẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Cô chia sẻ: “Dù chợ khá nhỏ và chật hẹp, nguồn thu đến từ nó vẫn vô cùng đáng kinh ngạc. Người kinh doanh ở đây thực sự rất phát đạt”. Đó là một điều không thể phủ nhận. Chợ đóng vai trò là chợ đầu mối, phân phối nguồn hàng sỉ về các chợ nhỏ lẻ hơn. “Nơi đây thực ra không chỉ là nơi bán hàng. Đây còn là nơi trưng bày hàng mẫu, để thu hút người mua sỉ tới đây để tìm, nhập hàng số lượng lớn”. Không chỉ vậy, chợ Đồng Xuân còn đóng vai trò địa điểm du lịch, là một trong những điểm đến hàng đầu của khách thập phương mỗi khi đến với Thủ Đô. Quả thật, việc kinh doanh nơi đây rất phát triển. Trước khi rời khỏi chợ, cô cho chúng tôi một vài thông tin: “Người ta đã có dự án thay thế chợ bằng một trung tâm thương mại. Tuy vậy, người dân nơi đây và kể cả những người bán hàng trong chợ đều phản đối kịch liệt”.
Quang cảnh chợ Đồng Xuân
Rời khỏi chợ, chúng tôi được di chuyển bằng xe điện, một loại hình phương tiện du lịch đang được thử nghiệm gần đây của ban quản lý công ty cổ phần Đồng Xuân. Giá vé là 200.000 một xe, mỗi xe chở được 7 người, một mức giá khá hợp lý. Trên xe có băng ghi âm giới thiệu từng đường phố. Tuy vậy, theo đánh giá chủ quan của tôi, chuyến xe không mang lại nhiều giá trị du lịch. Có lẽ, loại hình phương tiện này vẫn cần được phát triển thêm nữa, để trở thành một phương tiện du lịch, thay vì chỉ là phương tiện di chuyển như hiện tại.
Chúng tôi dừng chân ở đường Đinh Tiên Hoàng, dạo bộ tới cửa hàng Lacostte – cửa hàng phân phối độc quyền của Lacostte. Cô Hương đã cho chúng tôi chút thời gian tham quan trong cửa hàng, cũng như giúp chúng tôi có thời gian để hỏi họ về những chiến lược kinh doanh. Thật bất ngờ, nhân viên cửa hàng giãi bày với chúng tôi một cách khá cởi mở về môi trường làm việc, thậm chí là cả hướng đi sau này của cừa hàng. Anh còn nói thêm:”Sinh viên Kinh tế luôn được đánh giá cao ở đây, nên nếu sau này các em muốn tới đây làm việc, các anh luôn chào đón. Đây là một môi trường có khả năng thăng tiến mà anh nghĩ sẽ phù hợp với những người trẻ như các em”.
Rời khỏi Lacostte, chúng tôi có 15 phút nghỉ ngơi. Và, chắc chắn rồi, lớp chúng tôi dùng 15 phút đó để đi… ăn kem. Quay trở lại điểm hẹn, cô Hương dẫn chúng tôi tới một nơi khá đặc biệt: một văn phòng tư vấn du lịch nho nhỏ. Chúng tôi chia ra làm hai nhóm để nghe và đặt câu hỏi. Nơi đây mang lại cho chúng tôi biết một bất ngờ thú vị: văn phòng này thuộc về hợp tác xã Cộng Lực, đơn vị đồng sở hữu Sinh Coffee. Và còn thêm một bất ngờ nữa, là hợp tác xã được sáng lập từ năm 1960. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì loại hình hợp tác xã vẫn tồn tại đến tận ngày nay, không chỉ thế, họ còn có tư tưởng rất mới, rất sáng tạo. Chủ văn phòng chia sẻ: ”Ban đầu, nhóm cô tập trung vào du lịch, chủ yếu là tổ chức tour cho khách nước ngoài. Sau đó, thấy mọi chuyện không mang lại đủ lợi nhuận, các cô làm thêm cả đồ uống và dần phát triển được cả một thương hiệu café”. Thú vị và ngạc nhiên là cảm xúc của chúng tôi bấy giờ. Câu chuyện sáng lập của Sinh Coffeé đã làm thay đổi cách suy nghĩ lối mòn của chúng tôi. Kinh doanh quả thật khác với chúng tôi nghĩ nhiều: không hề cao xa, mà hóa ra lại gần gũi và đơn giản đến vậy.
Sinh viên đặt câu hỏi cho Hợp tác xã Cộng lực
Dù vẫn muốn được biết thêm nhiều điều, nhưng chúng tôi đã thấm mệt và đói. Cô Hương quyết định chúng tôi sẽ đến ăn ở Mc Donald: ”Không phải chỉ có đi tham quan các em mới biết thêm nhiều điều. Ở nơi các em đến ăn, các em vẫn sẽ được học nhiều đấy”. Chưa đầy vài phút sau khi bước vào cửa hàng và được nhân viên mời lên gác để ổn định chỗ và gọi món, cô đặt cho chúng tôi một câu hỏi: “Đó, như các em thấy, mọi người vào quán đều dừng lại trước quầy để gọi món, nhưng một nhóm đông như chúng ta thì lại được mời lên gác để gọi món?” Rất nhanh chóng một bạn trả lời: “Để không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quán ạ. Nếu chúng ta cứ đứng trước của sẽ rất đông, khó kiểm soát, cũng như khiến quán trông có vẻ đông dúc và làm cho khách bỏ sang hàng khác”. “Đúng”, cô cười, “Các em thấy đấy. Chúng ta không vào đây chỉ để ăn”. Quả thật, trong một cửa hàng đồ ăn nhanh có thương hiệu đã trải rộng trên toàn thế giới, sự quy củ, ngăn nắp là điều rất đáng để chú ý. “Các em thấy đó, họ sắp xếp rất rõ ràng. Nhân viên thì áo đỏ, quản lý thì áo xám, còn nhân viên thu ngân thì áo tím. Ai làm việc nấy. Quản lý thì đón các đoàn lớn và quan sát nhân viên, nhân viên thu ngân thì thu tiền và nhân viên áo đỏ thì bưng bê. Đó là sự quy củ”.
Gọi món tại Mc Donald
Sau những phút nghỉ chân, chúng tôi bước tới điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình: Tràng Tiền Plaza, cách cửa hàng Mc Donald chỉ một làn đường. Ngay khi bước vào, chúng tôi đã cảm nhận được sự khác biệt. “Các em thấy đó, có một điều làm nơi đây khác với chợ Đồng Xuân, đó là sự sang trọng”. Quả vậy, một nhân viên gác cửa đã mở sẵn cửa cho chúng tôi từ bao giờ. Ở bên trong Plaza, ai cũng mang lại cảm giác của sự sang trọng và chuyên nghiệp. “Chỉ trừ một điểm,” cô Hương bất ngờ lên tiếng “các em thấy anh bảo vệ đang ngủ gật đằng kia không?” Cả lớp cười ồ. Tuy vậy, cũng chẳng thể trách được anh ta, bởi, khi chúng tôi vào Plaza, ai cũng có cùng một cảm nhận: nơi đây không được đông đúc như chúng tôi với kì vọng. Không khí trong Plaza khá im ắng, thi thoảng mới có một số đoàn khách du lịch vào tham quan. “Các em thấy đó, đây là tình trạng của Plaza nhiều năm nay. Ít khách hàng, sự phát triển của Plaza bị chậm lại nhiều năm so với kì vọng của những nhà đầu tư. Đây là nơi tập trung vào hàng phân khúc cao cấp, và người dân Việt ta vẫn chưa sẵn sàng cho phân khúc giá này”. Cô đưa chúng tôi đến một số gian hàng, nói thêm: “Nơi đây đang cố chuyển hướng, thêm những gian hàng phân khúc tầm trung, cũng như hợp tác với rạp CGV để có thêm khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng đó còn là cả quãng đường dài”.
Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn. Rời khỏi Plaza, chúng tôi gọi xe về trường. May mắn được cùng xe với cô, tôi hỏi cô câu hỏi mà tôi đã thắc mắc trước giờ: “Thưa cô, Plaza theo như em biết đã hoạt động không tốt trong nhiều năm. Vậy tại sao nó còn tồn tại?” Cô giảng giải: “Em biết đấy, Plaza có vị trí rất đẹp, và bản thân nơi đây cũng được biết đến như một địa điểm bán hàng cao cấp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn rất muốn có gian hàng ở đây, và sẵn sàng trả tiền cho điều đó. Tuy vậy, cô cũng nghĩ nơi đây cần một hướng đi mới”.
Cô Hương – người đã hướng dẫn chúng tôi trong suốt chuyến đi
Quãng đường về trường bỗng trở nên ngắn tới không ngờ. Dù còn nhiều câu hỏi, chúng tôi vẫn phải xuống xe và quay trở về sau chuyến hành trình dài. Quả là một chuyến đi hữu ích, một chuyến đi giúp chúng tôi giải đáp những gì còn phân vân, mơ hồ với ngành học. Không chỉ vậy, đây còn là một kỉ niệm đẹp với chúng tôi, mà chúng tôi sẽ mãi không quên – chuyến đi đầu tiên của chúng tôi trong cuộc đời sinh viên này.
TIN TỨC LIÊN QUAN
Nội bộ
Đoàn công tác Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thăm, động viên và kiểm tra tình hình học tập của sinh viên Viện Đào tạo TT, CLC & POHE khóa 65 đang học GDQP&AN tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE
Lượt truy cập
Visit Today : |
Visit Yesterday : |