Uncategorized @vi

Chuyến đi thực tế khảo sát doanh nghiệp của sinh viên 2 Lớp Tài chính Tiên tiến 56A & 56C tại Công ty TNHH MTV Bao bì 277 Hà Nội.

20, Tháng 07, 2016

Tham quan khảo sát doanh nghiệp (company tour) là một trong những hoạt động thường niên và thiết thực cho sinh viên Chương trình Tiên tiến, CLC & POHE. Ngày 27/05/2016 vừa qua, Trung tâm đào tạo Tiên tiến, CLC & POHE đã tổ chức cho các em sinh viên lớp Tài chính tiên tiến 56A & 56C đi thực tế khảo sát tại Công ty TNHH MTV Bao bì 277 tại Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội).

Sau hơn một giờ đồng hồ xuất phát từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đoàn sinh viên lớp Tài chính Tiên tiến 56A & 56C cùng các thầy cô giáo của Trung tâm đã có mặt tại Công ty TNHH MTV Bao bì 277. Mở đầu cho chuỗi hoạt động trong lần khảo sát doanh nghiệp này, các em sinh viên đã được chào đón và được lắng nghe những lời chia sẻ hữu ích từ Ban Lãnh đạo cùng các thành viên của Công ty. Buổi chia sẻ được mở đầu trong không khí vô cùng đầm ấm và thân thiện, chú Lê Hồng Quang, thương binh 2/4, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty; bác Mai Hồng Điệp, Phó bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Hội CCB Công ty Bao bì 277 Hà Nội bày tỏ vui mừng và phấn khởi khi công ty được chào đón thêm một khóa sinh viên của trường Kinh tế Quốc Dân đến đây thực tế khảo sát.

 Như các khóa học trước có cơ hội tới thăm công ty, sinh viên được nghe kể về lịch sử phát triển cũng như hình thành của Công ty. Vốn là Xí nghiệp thương binh Ba Đình được TP Hà Nội thành lập sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với nhiệm vụ tiếp nhận các thương bệnh binh Thủ đô để đào tạo nghề, sắp xếp việc làm…Từ những ngày đầu thành lập, toàn thể Cán bộ công nhân viên của Xí nghiệp đều là những cựu chiến binh, thương binh đã từng trải qua một thời trận mạc trên chiến trường khói lửa, nay họ lại cùng nhau trèo lái con thuyền trên thương trường với nhiều sóng gió. Bác Điệp có chia sẻ “…thời kì đầu lương dành cho nhân viên khá ít. Ban đầu công ty còn làm cho Liên Xô, về sau khi Đảng Xã hội Chủ Nghĩa của Liên Xô sụp đổ thì lương anh em cũng ít hẳn đi, về sau chuyển sang sản xuất xốp cũng có khá hơn.”

 Dù vậy, đội ngũ cán bộ công nhân viên của công ty vẫn không nản lòng, chuyển sang sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau như sản xuất bao túi nilong, sản xuất xốp,…. Rồi từ một khu sản xuất chật hẹp, tài sản của công ty chỉ hơn trăm triệu đồng, mấy chục chiếc máy đều cũ, lạc hậu để sản xuất dây chun và chỉ khâu, sản phẩm có chất lượng kém, tiêu thụ khó khăn, thiếu việc làm, công nhân phải nghỉ việc dài ngày… Với những nỗ lực cố gắng và phấn đấu hơn 10 năm qua làm nhiều người ngỡ ngàng khi số lao động của công ty đã tăng lên 950 người, doanh thu tăng 859%, lợi nhuận tăng 939%, nộp ngân sách tăng 558%, đời sống cán bộ, công nhân viên không ngừng được cải thiện, từ thu nhập bình quân 800.000 đồng/người/tháng nay đã là 4,5 triệu đồng/người/tháng; tất cả đều được đóng BHXH, BHYT, các chế độ phúc lợi chung khác, đặc biệt, có 95% thương binh và cán bộ chủ chốt được cấp nhà ở, đất ở. Các chiến sỹ năm xưa, nay là cán bộ công nhân viên của Công ty đã phấn đấu để xứng danh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới.

 Những lời giới thiệu và chia sẻ chân thành của bác thương binh 1/4 Mai Hồng Điệp đã giúp các em sinh viên được tiếp thu một bài học quý giá là không được chùn bước, kiên trì vươn lên trong mọi thời điểm khi tham gia vào công nghiệp kinh doanh, có công mài sắt, có ngày nên kim, ắt về sau sẽ gặt hái được thành quả.

Ngay sau đó các em sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân được bác Điệp đưa đi thăm quan các phân xưởng của Công ty, gồm có hai xưởng lớn chính là Phân xưởng bao bì xuất khẩu và Phân xưởng sản xuất túi vải và các mẫu in khác nhau, nơi làm ra những mặt hàng thiết yếu được xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và một số nước Châu Âu.

 

Bước vào nhà máy, các sinh viên thích thú quan sát những máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại được Công ty nhập khẩu từ nước ngoài với những khoản đầu tư mạnh mẽ.

 

Hình ảnh của Phân xưởng sản xuất bao bì xuất khẩu, khâu sản xuất vỏ ni long.

 

Hình ảnh của Phân xưởng sản xuất túi vải, khâu in mẫu thiết kế.

 

Tại đây, các em sinh viên chăm chú lắng nghe những lời hướng dẫn tận tình về công dụng từng dây chuyền sản xuất cũng như chu trình hoạt đông của từng loại.

 

Các em được phân theo lớp, đi thành từng nhóm để có thể tham quan từng Phân xưởng của Công ty TNHH MTV Bao bì 277, cũng như tìm hiểu được công dụng của từng loại dây chuyền, chu trình điều hành của từng tổ máy. Tất cả các thắc mắc của sinh viên đều được bác Điệp (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ) trả lời cặn kẽ ngay sau khi thăm quan nhà máy. Đội ngũ công nhân viên làm việc trong Phân xưởng rất cởi mở giải đáp những câu hỏi của các bạn. Thậm chí ở cuối buổi tham quan, các bạn sinh viên còn được tặng những chiếc túi vải, sản phẩm của công ty làm kỉ niệm.

 

Hình ảnh một số hoạt động thực tế, khảo sát doanh nghiệp của các em sinh viên lớp Tài chính Tiên tiến 56A & 56C Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:  

 

 Sau khi được tham quan thực tế, chia sẻ kinh nhiệm cũng như được tận mắt chứng kiến hoạt động sản xuất của công ty, các bạn sinh viên trở lại khán phòng lớn để có thể nêu thắc mắc và được giải đáp bởi chú Lê Hồng Quang và bác Mai Hồng Điệp. Tại đó các em đã hiểu thêm rõ hơn nữa về các khâu sản xuất, khâu xử lí chất thải, sự liên kết của công ty với công ty môi trường. Sinh viên càng hiểu rõ hơn nữa về những khó khăn của công ty và giải pháp của công ty đưa ra để tiếp tục hoạt động và phát triển hơn nữa trên trường kinh tế. Nhờ vậy cái tên công ty Bao Bì 277 đã hằn sâu trong ấn tượng của mỗi sinh viên lớp Tài chính Tiên Tiến 56A & 56C, với ý nghĩa thành lập vào ngày 27/7.

 Phần thứ hai của buổi khảo sát thực tế là buổi giao lưu học hỏi kĩ năng mềm do công ty Cổ phần Liên kết Việt Nhật tổ chức. Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, các em sinh viên lớp Tài chính Tiên tiến 56A & 56C tập trung ở hội trường lớn, cùng các anh chị giao lưu, trò chuyện thân mật trước khi được nghe các anh chị chia sẻ kiến thức về kỹ năng viết CV và kỹ năng phỏng vấn cho công ty của Nhật. Sinh viên đã học được cách trình bày CV sạch sẽ, chỉn chu và các tư thế, tác phong khi đi phỏng vấn. Hỗ trợ cho buổi học là các slide được trình bày dễ đọc, dễ coi và video minh họa quá trình phỏng vấn. Đến cuối buổi học, các em sinh viên còn được bốc thăm trúng thưởng các suất học bổng 50% và một suất học bổng 100%, do Công ty CP liên kết Việt Nhật tài trợ. Buổi học đã mang lại cho các em sinh viên những kiến thức bổ ích cùng cơ hội được theo học một ngôn ngữ mới là tiếng Nhật, cũng như củng cố kỹ năng mềm để chuẩn bị cho thực tập và xin việc trong tương lai. Những góp ý của các em sinh viên đều được các thầy cô cùng các anh chị công ty cổ phần liên kết Việt Nhật lắng nghe và ghi nhận.

 

Chuyến khảo sát doanh nghiệp của các em sinh viên lớp Tài chính Tiên tiến 56A & 56C đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sau chuyến đi, nhiều em sinh viên đã chia sẻ những đánh giá tích cực về chuyến đi, với nhiều kiến thức thực tế về hoạt động của một công ty và những thông tin cần thiết để sinh viên AEP sau khi tốt nghiệp ra trường luôn đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng và có định hướng làm việc tại những công ty sau khi tốt nghiệp.

TIN TỨC LIÊN QUAN

Uncategorized @vi

Viện đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE tiếp và làm việc với đại diện từ nhà xuất bản Pearson

08, Tháng 10, 2024
Uncategorized @vi

Bí quyết chinh phục học bổng Thạc sĩ Think Big Postgraduate trị giá 16,000 bảng Anh của nữ du học sinh Việt

03, Tháng 10, 2024
Uncategorized @vi

256 tân cử nhân chương trình Tiên tiến khóa 62 rạng rỡ trong lễ tốt nghiệp

03, Tháng 10, 2024